Savills Việt Nam cho rằng các khu vực “ăn theo” hoặc chỉ tăng giá dựa trên thông tin chung, không nên được nhìn nhận là nguyên nhân thật sự dẫn đến hiện tượng sốt đất

Dữ liệu từ Báo cáo Tổng quan Thị trường Bất động sản Hà Nội quý I/2021 do Savills Việt Nam thực hiện cho thấy nhu cầu tăng lên ở các lĩnh vực biệt thự, nhà liền kề, đất thổ cư, các loại đất đấu giá và dịch vụ. Hiện tượng mua bán đất nền diễn ra sôi động dù đã có nhiều cảnh báo mang tính chất pháp lý được đưa ra.

Đại diện Savills Việt Nam nhận định hiện tượng tăng giá đất vừa qua có thể khoanh vùng trong các giao dịch giữa các cá nhân và không ảnh hưởng quá nhiều tới quyết định của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Khi các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra quyết định đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam, họ sẽ mất thời gian để quan sát và đánh giá thực tế, thông qua các hoạt động thẩm định giá cụ thể. Hoạt động mua đi bán lại các giao dịch không thể đánh giá được con số tăng về giá đất, mà phải dựa trên số liệu giao dịch của các dự án trước đây đang triển khai với giá bán và tốc độ bán xác định. Vậy nên khi triển khai và dự kiến giới thiệu dự án trong tương lai, nhà đầu tư sẽ cân nhắc về nguồn cung của thị trường tại thời điểm đó là bao nhiêu. Bản thân các nhà đầu tư hiện vẫn đang đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng”- bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho Thuê Thương mại Savills Hà Nội, lý giải.

Nhà đầu tư nước ngoài nghĩ gì về sốt đất ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Hiện tượng mua bán đất nền diễn ra sôi động dù đã có nhiều cảnh báo mang tính chất pháp lý được đưa ra

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội, cho biết việc siết tín dụng có thể được xem là một biện pháp để kiểm soát tình trạng đầu cơ lướt sóng. Khi nền kinh tế Việt Nam đang đạt tăng trưởng dương thì các biện pháp đưa ra sẽ cần được xem xét cẩn thận bởi khi được áp dụng trên diện rộng, chúng tạo ra hiệu ứng với độ trễ nhất định.

Theo bà Hằng, trong nỗ lực kiểm soát sốt đất, Nhà nước có thể cân nhắc tới hai yếu tố quan trọng: Thứ nhất, công bố đầy đủ chi tiết quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng, cập nhật cụ thể tới người dân, để họ nắm được chính xác những khu vực nào chịu ảnh hưởng từ những quyết định của Nhà nước.

Thứ hai, đưa ra các chế tài chặt chẽ để kiểm soát thị trường và bảo đảm sự công khai minh bạch trong ngành bất động sản. Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ điều kiện pháp lý khi các chủ đầu tư tung bán sản phẩm ra thị trường, đồng thời phía chủ đầu tư cần hoàn thành các điều kiện pháp lý, bảo đảm người mua nhận nhà cùng các thiết bị và thông tin như cam kết. Đặc biệt, thị trường Việt Nam đang tồn tại vấn đề liên quan đến các cá nhân môi giới bất động sản không có bằng cấp và chứng chỉ hợp lệ, với việc họ tự ý đẩy giá lên, làm ảnh hưởng đến giá đất thật sự của thị trường. Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa có cơ quan xác định để lưu trữ các thông tin thiết thực như các giao dịch trên thị trường nên giá mua bán hiện không thực sự phản ánh giá giao dịch thực giữa người mua và người bán.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills, nhận định thị trường bất động sản Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc khá nhiều vào các loại giấy tờ. Nên chúng ta có thể nghĩ đến hoạt động chuyển đổi số, tức là số hóa các giấy tờ đó vào một hệ thống quản lý chung mang tính quốc gia, việc này đòi hỏi tầm nhìn dài hạn. Có được một hệ thống dữ liệu ở tầm quốc gia sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó có việc kiểm soát các môi giới cố tình tung tin đồn và đẩy giá đất lên cao.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *