Đầu năm âm lịch, nhiều địa phương thuộc các tỉnh lẻ như Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… giá đất rục rịch tăng, môi giới các nơi nườm nượp đổ về bất chấp tình hình dịch bệnh bùng phát trước đó. Tuy nhiên nhiều người lo ngại, đây có thể vẫn là “bài cũ” của các tay đầu cơ thổi giá.

Giá đất nhiều nơi tăng ngỡ ngàng

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, nhiều hội nhóm đã xôn xao đăng tải thông tin đất cát tại các tỉnh thành. Một số diễn đàn cập nhật liên tục giá đất tại những điểm nóng như Thủy Nguyên (Hải Phòng), khu cảng cạn Vĩnh Phúc, Gia Viễn (Ninh Bình), Phù Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh)… Các lô đất được giới thiệu chào bán liên tục, người xem tương tác sôi nổi.

Khu đấu giá Gia Thịnh, Gia Viễn (Ninh Bình), gần trung tâm hành chính mới của huyện những ngày qua nhộn nhịp cảnh mua bán. Trên con đường mới san phẳng, hai bên vẫn ngổn ngang đất ruộng nườm nượp ô tô và người tìm mua đất. Một số ki ốt bất động sản cũng đã được dựng lên để phục vụ nhu cầu mua bán. Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, thời điểm tháng 3 năm ngoái, đất tại đây có giá từ 400-600 triệu/lô khoảng hơn 100m2, đến trước Tết âm lịch tăng lên 600-700 triệu/lô nhưng những ngày qua giá tăng vọt theo ngày. Một số lô đất tăng 100-200 triệu/lô sau một đêm, lên ngưỡng 800 triệu/lô. Đất gần khu hành chính huyện nhiều lô hiện có giá 1-1,3 tỷ đồng.

TP. Tam Điệp những ngày qua cũng nườm nượp ô tô các nơi đến tìm mua đất. Một người dân ở đây cho biết, những người đến mua chủ yếu là môi giới, nhà đầu tư nơi khác. Hàng đoàn ô tô kéo đến đâu náo nhiệt đến đấy. Điều lạ là họ gom mua cả những mảnh đất nơi xó núi khiến nhiều lô đất giá 400 triệu sau nhiều lần sang tay lên 500, 600 thậm chí 700 triệu. Đất đai được mua bán như mớ rau, sau khi đặt cọc, công chứng là sang tên ngay được. Giá đất tăng khiến chính người dân nơi đây cũng ngỡ ngàng vì chưa có thông tin về dự án nào sắp được triển khai.

Nhiều người tìm xem đất đấu giá khu Gia Thịnh, Gia Viễn Ninh Bình.Người xe nườm nượp tại khu đất đấu giá Gia Thịnh (Gia Viễn, Ninh Bình). Ảnh: F.B

Tại làng nghề Phù Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh) giá đất nền trong khu đô thị cũng tăng vọt ngay từ đầu năm. Một lô đất nội khu 80m2 có giá 1,65 tỷ đồng thời điểm tháng 11/2020 đến tháng 2/2021 đã có người trả giá hơn 2 tỷ đồng. Nhiều lô đẹp hơn thuộc giai đoạn 2 của dự án tăng giá từ 2,3 tỷ lên 2,55 tỷ sau một thời gian ngắn. Môi giới ở đây cho biết, giá vẫn đang lên từng ngày.

Ngoài Ninh Bình, Bắc Ninh, một điểm nóng khác là Thủy Nguyên (Hải Phòng) giá cũng vẫn tiếp tục tăng nhưng giao dịch khá thưa thớt. Ngoài ra, một số huyện xa lắc của Vĩnh Phúc, khu vực quanh cảng cạn cũng đang có hiện tượng giá đất tăng từng ngày.

Giá tăng do nhu cầu đầu tư hay thổi giá?

Trước thực trạng giá đất nhiều nơi tăng nóng dù dịch bệnh mới bùng phát trước đó không lâu, trao đổi với Batdongsan.com.vn, nhà đầu tư Nguyễn Phú cho biết, đất nền tại các tỉnh vùng ven và lân cận Hà Nội, TP.HCM từng được nhiều chuyên gia dự báo sẽ lên ngôi. Nguyên nhân là do các đô thị lớn đã cạn kiệt quỹ đất sạch, trong khi pháp lý vẫn đang tắc nghẽn. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đất nền các tỉnh vùng ven sẽ có khả năng sinh lời tốt, dư địa lớn do đó họ rót tiền vào những khu vực này cũng không có gì lạ. Trong khi đó, đầu tư công vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều khu vực phát triển nóng về hạ tầng kéo giá đất đi lên. Những khu vực giá đất tăng chắc chắn có liên quan đến yếu tố hạ tầng, ví dụ khu Gia Viễn Ninh Bình là dự án Khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình; TP. Tam Điệp có dự án đường cao tốc và khu công nghiệp 286ha… “Nhìn chung cánh môi giới, đầu cơ rất nhạy thông tin, biết nơi nào có quy hoạch, dự án mới là đổ về săn đất, gây sốt giá”, anh Phú cho hay.

Nhà đầu tư tìm mua đất tỉnh lẻ.Những lô đất nằm sâu trong ngõ xóm cũng được nhà đầu tư tìm mua. Ảnh: F.B

Xét về nguồn cầu trong dân hiện cũng rất lớn trước bối cảnh nhiều nhà đầu tư đã chốt lời chứng khoán, vàng bán ra vào giai đoạn giá đỉnh hiện chưa muốn mua vào do giá cao, kinh doanh sản xuất ngưng trệ vì dịch bệnh, không ít người đã ôm tiền đi mua đất ngay từ đầu năm. Nhất là khi Fed dự báo tiền rẻ sẽ còn kéo dài trong ít nhất 2-3 năm nữa.

Ở một góc nhìn khác, một số nhà đầu tư không còn lạ chuyện đất nhiều nơi sốt giá, cho rằng có sự nhúng tay của các nhà đầu cơ, cò đất. Tất nhiên họ phải dựa vào thông tin về hạ tầng làm cơ sở bơm thổi, nhưng thực tế dự án đó có khả thi hay không, có kích thích bất động sản khu vực phát triển hay không thì nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ. Trong cơn cuồng mua bán, không ít nhà đầu tư ôm vào các sản phẩm bị cò đất thổi giá sẽ bị mắc kẹt không thể bán ra được.

Trong một hội nhóm mua bán BĐS Ninh Bình có hàng nghìn thành viên, T. một nhân viên kế toán tại Hà Nội cho biết, thấy giá đất quê nhà tăng cao, anh đăng vào nhóm rao bán lô đất mua vào từ năm ngoái, mong hưởng chút “sóng” thị trường. Tuy nhiên, sau cả ngày chờ đợi anh không thấy ai vào hỏi thăm lô đất của mình. Trong khi đó, nhiều lô đẹp giá hấp dẫn đăng trong cùng nhóm, anh vào hỏi thì đều được trả lời đã có khách mua. Tình huống này khiến T. có phần nghi ngại về tình trạng giao dịch thực ở thị trường đang nóng hầm hập này. “Những ai mua vào giai đoạn đỉnh giá, chắc chắn sẽ rất khó bán ra”, T. nói.

Thực tế, trong những năm qua, không ít địa phương xảy ra tình trạng giá đất sốt nóng liên quan thông tin hạ tầng, nhưng hầu hết chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Không ít dự án chỉ nằm trên giấy, hoặc thông tin đồn thổi sai lệch khiến nhiều nhà đầu tư tham “đu đỉnh” không thể ra hàng. Tại những khu vực này, đất sau đó sẽ rớt giá hoặc vẫn giữ giá đỉnh nhưng không có giao dịch vì không có nhu cầu thực. Giá có thể không xuống nhưng sẽ đi ngang nhiều năm khiến những nhà đầu tư phải vay vốn có thể “ôm hận”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *