Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, nhà vừa túi tiền sẽ là phân khúc bất động sản bước vào nhịp phục hồi đầu tiên trong năm 2024. Các chủ đầu tư cũng chấp nhận thay đổi để thích nghi, minh chứng bằng loạt dự án mới đang rục rịch khởi động ra thị trường từ đầu năm 2024.
Bộ Xây dựng đề nghị doanh nghiệp ưu tiên xây nhà ở vừa túi tiền
Trong diễn đàn bất động sản do báo Xây dựng và Bộ xây dựng tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các doanh nghiệp bất động sản chủ động thực hiện một số giải pháp như đa dạng hóa nguồn vốn, thực hiện các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.
Trước thực trạng hàng tồn kho bất động sản và sự bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm, từ đầu năm 2024 Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp. Động thái này là minh chứng cho nỗ lực quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, để thị trường bất động sản tốt hơn, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động thực hiện một số giải pháp như: Về nguồn vốn đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Về hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.
Trong hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm khi trao đến tay khách hàng về tính pháp lý; đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội; đa dạng và đồng bộ về tiện ích, dịch vụ.
Còn theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, để tháo gỡ bất ổn liên quan đến bất hợp lý trong cơ cấu nhà ở do lệch pha cung cầu, các địa phương cần xây dựng chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp Chiến lược phát triển nhà quốc gia ở 2030-2045, có sự cân đối cung cầu các phân khúc. Đồng thời cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về cách thức huy động các nguồn lực khác từ xã hội và có giải pháp hữu hiệu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ phù hợp khả năng chi trả theo cơ chế thị trường, tăng cường hỗ trợ, ưu đãi nhất định về đất đai, thuế và các chính sách ưu đãi khác về đầu tư nhà ở xã hội. Bố trí đầy đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị.
“Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm giúp cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trong năm 2024. Chúng tôi tin tưởng những chính sách của Chính phủ, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị với những chính sách đã và đang triển khai thì trong năm 2024, thị trường bất động sản sẽ phục hồi, phát triển bền vững”, thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.
Doanh nghiệp bất động sản chủ động thích nghi
Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, nhà vừa túi tiền sẽ là phân khúc bất động sản bước vào nhịp phục hồi đầu tiên trong năm 2024. Nhu cầu ở phân khúc này vẫn rất cao. Việc Bộ xây dựng chủ trương đẩy mạnh phát triển loại hình bất động sản vừa túi tiền cũng xuất phát từ nhu cầu này.
Trong bối cảnh thanh khoản ảm đạm, thiếu hụt nhà ở vừa túi tiền bắt buộc các chủ đầu tư phải thay đổi luật chơi. Trong đó, doanh nghiệp chủ động thực hiện một số giải pháp như cơ cấu sản phẩm, điều tiết lợi nhuận.
Ghi nhận cho thấy, hiện trên thị trường nhiều chủ đầu tư đã chấp nhận thay đổi để thích nghi thị trường với hàng loạt các dự án mới vừa túi tiền được ra mắt vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Đồng thời các chủ đầu tư trước đến nay đều định hướng theo phân khúc căn hộ vừa túi tiền hiện đã tập trung điều tiết lợi nhuận, chú trọng vào lợi ích của người mua nhà nhằm hướng đến sự phát triển bền vững với những nước đi chậm nhưng chắc chắn. Điển hình như Phú Đông Group, chủ đầu tư đã thực hiện 3 dự án nhà ở vừa túi tiền trên địa bàn tỉnh Bình Dương được rất nhiều khách hàng đón nhận. Mới đây, mặc dù thị trường có nhiều khó khăn song đơn vị này vẫn đủ tiềm lực để khởi công dự án Phú Đông SkyOne với pháp lý đầy đủ và dự kiến trong năm 2024 sẽ có 780 căn hộ vừa túi tiền được tung ra thị trường, đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân.
Thực tế cho thấy, thời điểm cuối năm 2023, đầu năm 2024 phân khúc căn hộ vừa túi tiền vẫn có giao dịch khá tốt. Những doanh nghiệp chuyên làm phân khúc này liên tục “giữ nhiệt” cho thị trường bất động sản trong suốt thời gian qua.
Chia sẻ mới đây, Bà Giang Huỳnh, Phó Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu & S22M, Savills Tp.HCM cho hay, trong bối cảnh giá bán sơ cấp căn hộ Tp.HCM trong quý 4/2023 ở mức 69 triệu đồng/m2, giao dịch ảm đảm khiến nhiều dự án đắt tiền phải tạm đóng bớt giỏ hàng. Cùng với đó, sản phẩm dưới 2 tỷ đồng tại khu vực này đến nay hoàn toàn biến mất khỏi thị trường thì các khu vực lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An lại đang là lựa chọn của người mua. Theo bà Giang, vào năm 2024, các địa phương này dự kiến sẽ chiếm 96% nguồn cung căn hộ giá vừa túi tiền. Tuy vậy, từ nay đến năm 2026, nguồn cung cănhooj giá từ 2-5 tỉ đồng sẽ tiếp tục giảm rõ rệt.
Cũng chia sẻ gần đây, một vị Phó chủ tịch công ty bất động sản dẫn chứng, trong giữa năm 2023 một công ty đưa ra 700 căn hộ giá mềm đến cuối năm đã bán được 699 căn. Theo vị này, bí quyết bán hàng chỉ đến từ 4 điểm: Đầu tiên là chọn đúng phân khúc: giá nhà hợp túi tiền của người lao động, giá trên dưới 1.5 tỷ đồng tiêu thụ rất tốt. Đồng thời, chủ đầu tư phải định hướng người mua là để ở, không phải mua để đầu cơ. Thứ hai là pháp lý rõ ràng. Thứ ba là chất lượng, làm nhà ở thương mại giá mềm nhưng đầy đủ tiện ích, chất lượng bàn giao không khác gì dự án trung, cao cấp. Thứ tư là giữ vững tiến độ cam kết với người mua.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, phát triển nhà ở vừa túi tiền sẽ mở ra cơ hội giải quyết tình trạng lệch pha cung cầu, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân có thu nhập ở mức trung bình và cận trung bình, kéo giảm mặt bằng giá nhà ở của toàn bộ thị trường. Nếu cả thị trường cùng chung tay và các chính sách về nhà ở theo hướng kinh tế thị trường thì loại hình nhà ở vừa túi tiền sẽ phát triển song song với nhà ở xã hội.
Để thực hiện được điều này, ông Đính cho rằng, về phía Nhà nước cần đưa ra định nghĩa chính thức về nhà ở vừa túi tiền; nghiên cứu các cơ chế, chính sách ưu đãi dành riêng cho nhà ở vừa túi tiền với mục tiêu chính là khuyến khích chủ đầu tư tham gia phát triển nguồn cung phân khúc này. Trong đó có các chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng để tăng sức mua, hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc phát triển, vận hành các dự án hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, mở rộng hạ tầng giao thông kết nối. Khi khoảng cách không còn là vấn đề thì xu hướng dịch chuyển từ khu vực trung tâm ra ven đô là tất yếu.
Nhịp sống thị trường